Thẻ ngân hàng đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày, bạn dùng nó để mua hàng, để thanh toán online và làm đủ thứ chuyện khác. Nhưng thật ra những chiếc thẻ bạn đang cầm trên tay có rất nhiều loại, công dụng và mức độ chấp nhận thẻ cũng khác nhau, và đương nhiên phí bạn cần bỏ ra cũng khác nữa. Trong bài này mình sẽ giới thiệu với bạn những nội dung sơ lược nhất về thẻ ngân hàng để bạn biết thẻ mình đang xài là gì, hoặc sắp tới khi cần làm thẻ mình nên làm thẻ nào cho phù hợp.
Các loại thẻ thanh toán phổ biến
Thẻ nội địa (Còn gọi quen là thẻ ATM)
Thẻ nội địa thường được gọi là thẻ ATM hoặc Debit nội địa, nó là thẻ do các ngân hàng trong nước phát hành. Đây cũng là thẻ mà bạn hay dùng để đi rút tiền, đi cà thẻ mua sắm, hay thực hiện một số giao dịch trực tuyến.
Phí: rất ít, thậm chí không có
Ưu đãi: hồi trước ít, dạo này bắt đầu nhiều – giảm giá vào hóa đơn, ưu đãi khi mua hàng online,…
Cần chứng minh tài chính? Không
Các thẻ nội địa ở Việt Nam hiện nay có nhiều thẻ nằm trong liên minh NAPAS. Đây là liên minh được thành lập để thống nhất mọi ngân hàng về một cổng thanh toán chung. Nhờ NAPAS, bạn có thể dùng thẻ của ngân hàng này nhưng vẫn cà thẻ hoặc thanh toán online được ở máy POS của ngân hàng khác. Tìm hiểu thêm về NAPAS trong bài này.
Thẻ quốc tế
Thẻ thanh toán quốc tế cũng do ngân hàng phát hành, nhưng bạn sẽ thấy thêm logo Visa, Mastercard, JCB, American Express và một số cái tên khác gắn lên. Thẻ quốc tế có tính toàn cầu, bạn đi nước ngoài cũng có thể sử dụng thoải mái. Đa số quốc gia đều hỗ trợ Visa và Mastercard, những loại thẻ khác thì tùy nước.
Thẻ quốc tế thường được chia làm 2 loại:
- Thẻ ghi nợ – DEBIT
Trong tài khoản ngân hàng của bạn đang có bao nhiêu tiền thì bạn dùng bấy nhiêu mà thôi, xài hết thì không chi tiêu được nữa.
Phí: vài chục nghìn đồng / tháng
Ưu đãi: có nhưng ít, chủ yếu là giảm giá trực tiếp vào hóa đơn hoặc các chương trình rút thăm may mắn của ngân hàng
Cần chứng minh tài chính? Không
- Thẻ tín dụng – CREDIT
Có thể xem như ngân hàng cho bạn mượn tiền để dùng, cần bao nhiêu cứ dùng trước ngay cả khi tài khoản ngân hàng của bạn không còn đủ tiền.
Phí: vài trăm nghìn đến vài triệu đồng / năm
Ưu đãi: nhiều, giảm giá mua sắm hàng hóa, hoàn tiền mặt (cashback) vào cuối kì / năm khi sử dụng một số dịch vụ nào đó, ưu đãi khi trả góp
Cần chứng minh tài chính? Thường là có, dựa vào đây sẽ cấp hạn mức chi tiêu cho bạn
Các thương hiệu thẻ quốc tế thường gặp:
Có thể dùng thẻ để làm gì
Thẻ nội địa và quốc tế gần như giống nhau về mặt tính năng
Cà thẻ mua sắm
Bạn có thể dùng thẻ thay tiền mặt khi đi siêu thị, trung tâm thương mại, mua tại các cửa hàng bán lẻ, hoặc dùng cho nhà hàng, khách sạn, quán nước, mua vé xem phim…
Trong hầu hết các trường hợp, thẻ nội địa sẽ yêu cầu bạn nhập mã PIN để hoàn tất thanh toán. Thẻ quốc tế chỉ cần bạn kí tên mà thôi.
Thanh toán online
Cả thẻ quốc tế và nội địa đều có thể dùng để mua hàng online, chi trả cho các dịch vụ trực tuyến, mua vé máy bay… Khi sử dụng thẻ có thể bạn sẽ được ưu đãi, giảm giá.
Tuy nhiên, thẻ quốc tế thường được hỗ trợ rộng rãi hơn và đảm bảo dùng được với các dịch vụ nước ngoài. Visa, Mastercard là hai cái tên phổ biến được hỗ trợ.
Rút tiền mặt
Tất cả mọi thẻ đều có thể dùng rút tiền. Thẻ nội địa sẽ tính phí 1.100 đồng / lần rút hoặc miễn phí, thẻ quốc tế có thể là 3.300 đồng hoặc vài chục nghìn đồng tùy ngân hàng.
Lưu ý: hạn chế rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng (credit) vì bạn sẽ bị tính phí rất cao. Thẻ tín dụng chỉ nên dùng chi tiêu, thanh toán mà thôi.
Nên dùng thẻ nào khi nào
Thẻ nội địa / ATM
Rút tiền mặt (phí thấp hơn thẻ quốc tế nhiều)
Giao dịch tại các cây ATM
Cà thẻ tại các cửa hàng, quán ăn, khách sạn… (bảo mật do cần nhập mã PIN)
Thanh toán khi đi taxi, đổ xăng
Chuyển khoản nhanh (chuyển tài khoản sang tài khoản)
Nhiều trang bán hàng online cũng có chương trình khuyến mãi khi sử dụng thẻ nội địa
Thẻ quốc tế
Mua hàng online trong nước
Mua app trên App Store, Play Store, Microsoft Store
Mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ tại các website nước ngoài
Sử dụng để cà thẻ mua sắm khi đi nước ngoài (nhớ để ý phí chuyển đổi ngoại tệ)
Chuyển khoản nhanh (chuyển tài khoản sang tài khoản)
Sử dụng khi có khuyến mãi cho ngân hàng của bạn hoặc có hoàn tiền (cashback)
Bảng phí thẻ của một số ngân hàng lớn
Cập nhật ngày 26/11/2017
Phí tham khảo cho hạng thẻ thấp nhất, không tính các trường hợp đặc biệt. Lưu ý, bảng này không dùng so sánh, chỉ để cho bạn tham khảo và có khái niệm thôi.
Nguồn: tinhte.vn