Thượng tá, thạc sĩ Nguyễn Trường Long thuộc Công ty Điện tử – Tin học – Hóa chất (Elinco), Bộ Quốc phòng, cho biết trên mỗi thẻ đi xe buýt có in các thông tin chính của chủ thẻ bằng kỹ thuật bảo mật cao. Bên trong thẻ được cấy con chip điện tử có chức năng như một máy tính chuyên dụng để quản lý tiền đi xe của hành khách.
Thử nghiệm thẻ thông minh trước đầu đọc cầm tay của nhân viên kiểm soát. Ảnh: Hoàng Tuyên |
Khi lên xe, hành khách đưa thẻ ra trước máy đọc cầm tay của nhân viên kiểm soát. Đầu đọc sẽ kiểm tra tính hợp lệ của thẻ, trừ tiền một lần đi xe của khách lưu trữ trong con chíp điện tử và ghi số tiền còn lại. Khi trong tài khoản hết tiền, khách có thể nạp thêm tiền vào thẻ và sử dụng tiếp.
Cuối các ca trong ngày, nhân viên kiểm soát thẻ sẽ đem đầu đọc đến ga đầu (hoặc ga cuối), kết nối vào máy tính của cơ quan quản lý xe buýt. Tất cả các dữ liệu về số khách đi xe trong ca, dữ liệu về số tiền còn lại của từng hành khách… sẽ được gửi về trung tâm xử lý.
Theo thượng tá Long, chi phí làm một thẻ thông minh trong khoảng 20.000-22.000 đồng nhưng thẻ sẽ sử dụng được 5-10 năm. “Hành khách có thể đăng ký làm vé trực tiếp tại cơ quan quản lý xe buýt hoặc gửi đơn trực tuyến qua Internet”, thượng tá Long nói.
Theo ông Dương Hồng Thanh, Phó giám đốc Sở GTCC TP HCM việc dùng thẻ thông minh thay vé giấy sẽ chống được việc làm vé giả, giúp quá trình quản lý tài chính, kiểm soát giao dịch giữa hành khách và cơ quan quản lý xe buýt tốt hơn. “Tới đây, TP HCM sẽ thí điểm dùng thẻ thông minh đi xe buýt thay cho vé tháng và loại vé miễn phí cho thương binh, người tàn tật…”, ông Thanh cho biết.
Trước đó, từ tháng 8, thẻ thông minh đã được áp dụng thử nghiệm thay cho các loại vé tháng, vé miễn phí, vé tập trên 2 tuyến xe buýt của Hà Nội.
Theo Vnexpress